Tại thị trường Việt Nam, Nissan Almera liệu có thể cản bước tiến của đối thủ đồng hương Toyota Vios cũng như các đối thủ trong phân khúc edan hạng B hay không?
Đầu tháng 8 vừa qua, Nissan đã cho ra mắt thị trường Việt Nam mẫu sedan cỡ B mang tên Almera nhập khẩu từ Thái Lan. Đây là cái tên mới của dòng Sunny từ năm 2021 nhằm đồng bộ với thị trường toàn cầu. Almera sở hữu nhiều trang bị hấp dẫn để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ cùng phân khúc, trong đó không thể không nhắc đến “ông vua” Vios.


Với mức giá niêm yết chỉ chênh lệch 2 triệu đồng, lợi thế giá bán hầu như không đáng kể. Tuy nhiên các khách hàng đặt mua sớm chiếc Nissan Almera CVT Cao cấp sẽ nhận ngay ưu đãi phụ kiện + khuyến mãi tiền mặt 40 triệu hấp dẫn.
Trước áp lực cạnh tranh liên tục từ đối thủ, Toyota cũng tung ra gói hỗ trợ một phần phí trước bạ có giá trị lên đến 30 triệu đồng cho các khách hàng mua Vios 1.5G.
Mục lục
Ngoại thất: Nissan Almera hầm hố, Toyota Vios thanh lịch


Về kích thước tổng thể, Almera dài hơn 70 mm và rộng hơn 10 mm và thấp hơn 15mm so với Toyota Vios, cùng thiết kế mang thiên hướng thể thao hiện đại. Trong khi Vios vẫn duy trì nét trung tính, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng độ tuổi khác nhau.
Đầu xe Almera nổi bật với lưới tản nhiệt V-Motion viền chrome hai cạnh cuốn hút, trang trí lưới tổ ong bên trong, kết hợp ốp đen ngoài liền mạch với hốc gió bên dưới. Cụm đèn trước và đèn sương mù tạo hình thể thao cuốn hút.
Vios 2023 có phần trung tính hơn, cụm đèn pha cos tạo thành một dải xuyên suốt ở mũi xe, bên dưới bao trọn hốc gió với các nan kim loại sơn đen song song hầm hố. Hốc đèn sương mù tạo kiểu khe gió phụ có tính thẩm mỹ cao.
Nhìn từ bên hông, khoảng sáng gầm xe Almera 2023 cao hơn Vios 22mm, giúp chiếc sedan vượt địa hình mấp mô một cách linh hoạt mà không lo lắng vấn đề cọ gầm như đối thủ. Almera cũng sơn đen 1 phần cột C để tạo phong cách mui xe “tách rời” trẻ trung.


Hông xe Vios thanh lịch và hiền hòa hơn, ngoại trừ bộ mâm có thiết kế hai tông màu “nịnh mắt” hơn kiểu truyền thống trên Almera.
Phong cách thể thao tiếp tục hiện diện ở đuôi xe Almera: cụm đèn hậu LED hình mũi trên hướng về trung tâm nắp cốp rất đẹp mắt, cản sau có tấm ốp gầm hình khe khuếch tán gió, viền đen xung quanh hầm hố, đối lập với nét thanh lịch giản đơn ở Vios nhìn từ phía sau.
Về trang bị ngoại thất, hai mẫu xe sở hữu nhiều điểm chung, từ cụm đèn trước Full LED hiện đại (riêng Vios nhỉnh hơn với chức năng tự động bật/ tắt), gương chiếu hậu tích hợp đầy đủ tính năng chỉnh – gập điện, đèn báo rẽ, cho đến cụm đèn hậu LED cao cấp.
Nội thất: Nissan Almera trẻ trung, Toyota Vios truyền thống
Khoang nội thất của Almera tiếp tục thể hiện sự lấn át đối thủ, đầu tiên là về trục cơ sở dài hơn 70mm, tạo ra nhiều không gian rộng rãi cho hành khách ở hàng ghế sau duỗi chân thoải mái.
Tuy nhiên nhiều người vẫn phàn nàn về việc Nissan chỉ bọc ghế nỉ cho Almera, dù là phiên bản cao cấp. Cảm giác ngồi cũng như khả năng thuận tiện khi vệ sinh sẽ khó có thể sánh bằng bộ ghế da trên Vios. Cả hai đều trang bị ghế lái chỉnh tay 6 hướng, và hàng ghế sau cho phép gập từng phần để mở rộng khoang cốp.


Về tính thẩm mỹ, khác biệt của hai xe đến từ tông màu: Almera chọn tông đen chủ đạo phối với màu trắng rất trẻ trung và sạch sẽ về cảm quan, trong khi Vios chọn màu be phối đen tạo cảm giác thanh lịch.
Xe ô tô Nissan Almera có phong cách trẻ trung, tạo hình cửa gió hai bên như tua-bin còn các chi tiết trung tâm đều tách rời mảng riêng biệt. Vô-lăng D-cut ốp tấm kim loại cứng cáp ở chấu dưới, đề cao tính thể thao. Cụm đồng hồ kỹ thuật số 7 inch có phong cách hiển thị thông số hiện đại.
Vios thiết kế táp-lô hình chữ T, trong đó tất cả màn hình trung tâm, cửa gió chính và bảng nút điều hòa được gom lại thành một cụm chung với đường viền mạ bạc bóng bẩy ở cạnh bên. Tay lái tròn kết hợp cụm đồng hồ Optitron dạng cổ điển, cảm giác rất truyền thống.
Trang bị tiện nghi: Kẻ tám lạng, người nửa cân
Các tiện nghi trong khoang cabin của hai xe khá tương đồng, “kẻ tám lạng, người nửa cân”, không bên nào xuất sắc hơn bên nào. Nissan Almera CVT Cao cấp có màn hình 8 inch thì Toyota Vios 1.5G cũng “đáp trả” xứng đáng với màn hình 7 inch hỗ trợ cảm ứng.
Trải nghiệm âm thanh của hai xe đều đến từ dàn 6 loa nội thất, với đầy đủ kết nối điện thoại thông minh, USB, Bluetooth. Dàn điều hòa cũng là hệ thống tự động, đảm bảo cabin luôn mát mẻ nhất.


Khác biệt đáng chú ý nằm ở các tính năng hỗ trợ trải nghiệm vận hành. Phiên bản full-option của Almera có nhiều “tai mắt” hơn với hệ thống camera 360, đặc biệt lợi hại khi lái xe trong những môi trường nội đô chật chội mà không có “lái phụ” hỗ trợ ở bên ngoài.
Xe Ô tô Toyota Vios 1.5G cũng “không phải dạng vừa” khi hỗ trợ tính năng điều khiển hành trình giúp người lái nhàn nhã trong môi trường khác: trên các quốc lộ, cao tốc. Nếu khách hàng thường xuyên di chuyển đi lại xa rõ ràng sẽ tận hưởng ưu điểm này của Vios.
Động cơ, vận hành:
“Bài tẩy” của Almera có lẽ là khối động cơ tăng áp “hàng hiếm” trong phân khúc sedan cỡ B. Mặc dù công suất thấp hơn 7 mã lực song mô-men xoắn cực đại trên Almera lại nhỉnh hơn Vios 12 Nm.
Lợi thế của khối động cơ này chính là khả năng tăng tốc ấn tượng nhờ mô-men xoắn cao dễ dàng đạt được ở dải vòng tua thấp, kết hợp với với tính năng tắt động cơ tạm thời, tạo cảm giác lái vừa “bốc” vừa tiết kiệm hơn so với đối thủ. Mức chênh lệch khi di chuyển trong đường đô thị lên đến 0,6 lít/ 100km là con số khá hấp dẫn để cân nhắc.
Almera cũng có nhiều đặc điểm có lợi về khía cạnh vận hành khác như gầm cao dễ vượt địa hình, bề rộng lốp lớn bám đường tốt. Trong khi Vios bản cao cấp có công suất cao và tính năng điều khiển hành trình chỉ phát huy ưu thế khi chạy đường trường.


Hệ thống an toàn: Đều được trang bị tận răng
Ưu điểm của Vios về khía cạnh an toàn được thể hiện rõ qua bộ phanh sau dạng đĩa cùng với 7 túi khí. Trong khi phanh sau dạng tang trống trên xe Nissan không được lòng người dùng cho lắm, xe cũng ít hơn 1 túi khí so với đối thủ.
Hai chiếc xe đều trang bị “tận răng” nhiều hệ thống an toàn cơ bản, bên cạnh một số điểm riêng nổi bật, chẳng hạn Almera CVT Cao cấp có cảnh báo điểm mù/ phương tiện cắt ngang, kiểm soát độ bám đường, còn Vios là hệ thống kiểm soát lực kéo và cảm biến đỗ xe xung quanh.
Kết luận
So về doanh số bán những năm gần đây, Nissan Almera (tiền thân là Sunny) đang thể hiện vai trò của một đối thủ “chiếu dưới” so với Vios.
Xe khó so bì về khía cạnh thương hiệu và độ phổ biến, vì thế các hạng mục từ thiết kế, tiện nghi cho đến vận hành đều được tối đa hóa để tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút các khách hàng thực dụng, muốn sở hữu xe “full-option” với mức giá rẻ.
Trong khi đó, Vios là “ông vua phân khúc” với doanh số bán luôn đứng top, một cái tên đã được bảo chứng qua thời gian với số lượng người dùng lớn, khả năng giữ giá tốt – một sự lựa chọn đầy tính “an toàn” và “ăn chắc mặc bền” dành cho khách hàng mua xe cá nhân lẫn đầu tư chạy dịch vụ.